Đám cưới là sự kiện mang tính quan trọng trong cuộc đời của mỗi người. Để đám cưới được trọn vẹn hơn thì không thể thiếu những bài phát biểu của đại diện hai bên gia đình. Vậy một bài phát biểu đám cưới thường sẽ có bố cục thế nào và cần lưu ý những gì? Hay cùng tìm lời giải đáp thiết thực nhất qua bài viết dưới đây nhé!
Tầm quan trọng của mẫu bài phát biểu đám cưới
Đám cưới là một sự kiện trọng đại trong cuộc đời của mỗi người, đặc biệt đối với Việt Nam là một nước mang đậm bản sắc văn hóa Đông Á thì sự kiện này càng trở nên quan trọng và ý nghĩa. Đám cưới chính là cột mốc đánh dấu cho một tình yêu đẹp, là sự bằng lòng cho cuộc sống chung giữa hai người, là sự chứng kiến chúc phúc của anh em, bạn bè, họ hàng gần xa. Bởi vậy, sự kiện này không chỉ có ý nghĩa riêng chỉ cô dâu hay chú rể mà còn có ý nghĩa rất lớn đối với hai dòng họ chính thức trở thành thông gia của nhau.
Theo phong tục tập quán xưa nay, một trong những thủ tục lễ nghi vô cùng quan trọng và không thể thiếu chính là lời phát biểu của trưởng bối hai bên nhà trai và nhà gái. Lời phát biểu này được xem là minh chứng, là nguyện vọng, là mong cầu, là lời xác nhận để cô dâu và chú rể chính thức trở thành vợ chồng, chính thức làm con cháu trong nhà hai bên dòng họ.
Bởi vậy bài phát biểu đám cưới cũng vì thế mà sẽ cần được chuẩn bị một cách cẩn thận, tỉ mỉ, trang trọng để có thể gửi gắm đến cô dâu, chú rể những lời dặn dò chân thành nhất, gửi đến quý thông gia những ý nguyện trọn vẹn nhất.
Đại diện phát biểu trong đám cưới hai họ là ai?
Người đại diện phát biểu cho nhà họ trai và nhà họ gái trong đám cưới không bắt buộc phải là cha, mẹ của cô dâu và chú rể, thường sẽ là trưởng đoàn – bậc ông, bác hoặc chú có vai vế ở trong gia đình.
Tuy nhiên, hai họ cần đảm bảo lựa chọn được những người trưởng bối có khả năng ăn nói và vốn sống phong phú hay có thể làm chủ được bầu không khí buổi tiệc để có thể mang lại một bài phát biểu trọn vẹn và thật sự ý nghĩa.
Ngoài ra, trong trường hợp không thể có người trưởng bối nào có thể đại diện được thì hai bên dòng họ cũng có thể lựa chọn những người có khả năng ăn nói lưu loát hơn để thay mặt trưởng đoàn phát biểu giúp đám cưới của con cháu mình được như ý hơn.
Mẫu bài phát biểu đám cưới thường sẽ có bố cục như nào?
Một mẫu bài phát biểu đám cưới thường sẽ có bố cục 3 phần chính:
Phần 1: Trước tiên, người đại diện sẽ tự giới thiệu bản thân và mối quan hệ của mình với cô dâu/ chú rể.
Phần 2: Nội dung bài phát biểu: Có thể là những tâm tư, ý nguyện, lời dặn dò đến với hai người con/ cháu của mình là cô dâu và chú rể.
Phần 3: Gửi lời chúc sức khỏe đến họ hàng gia đình 2 bên, đại diện họ để gửi lời chúc phúc đến cô dâu và chú rể.
Những lưu ý khi chuẩn bị mẫu bài phát biểu đám cưới
Khi chuẩn bị mẫu bài phát biểu đám cưới, dưới đây là một số lưu ý quan trọng mà bạn nên xem xét:
- Xác định rõ mục tiêu của bài phát biểu: Xác định mục tiêu chính của bài phát biểu: chỉ tập trung vào lời dặn dò và chúc phúc hay sẽ kết hợp những ý nguyện của dòng họ đến với con cái và lời chúc phúc trăm năm? Điều này sẽ giúp bạn tập trung vào nội dung và cách diễn đạt phù hợp.
- Xác định rõ đối tượng của bài phát biểu: Xác định đối tượng mà bạn đang phát biểu, bao gồm gia đình, bạn bè, người thân và khách mời. Điều này sẽ giúp bạn lựa chọn ngôn ngữ, nội dung và phong cách phù hợp với đám đông.
- Chuẩn bị trước và luyện tập: Hãy chuẩn bị bài phát biểu trước và luyện tập để có thể mang lại một bài phát biểu trơn tru, mạch lạc. Luyện tập sẽ giúp bạn tự tin và tự nhiên khi phát biểu trước mọi người.
- Lựa chọn câu chuyện và kỷ niệm phù hợp: Nếu bạn muốn chia sẻ câu chuyện cá nhân hay kỷ niệm đặc biệt, hãy đảm bảo chọn những câu chuyện và kỷ niệm phù hợp với không gian và thời gian của bài phát biểu. Hãy đảm bảo rằng nó sẽ gây cảm xúc tích cực và tạo sự gắn kết với các khách mời.
- Sắp xếp nội dung một cách có logic: Xâu chuỗi các ý kiến và thông tin một cách có logic và mạch lạc. Bắt đầu bài phát biểu bằng một lời chào và giới thiệu bản thân, sau đó diễn đạt thông điệp chính và kết thúc bằng lời chúc phúc.
- Sử dụng ngôn ngữ lịch sự và phù hợp: Lựa chọn ngôn từ lịch sự, tránh sử dụng ngôn ngữ thô tục hoặc không phù hợp trong bài phát biểu. Hãy tuân thủ các quy tắc văn hóa, đặc biệt là văn hóa địa phương và tôn trọng đám đông.
- Thể hiện cảm xúc và tự nhiên: Hãy thể hiện cảm xúc và tự nhiên trong bài phát biểu. Đặt cảm xúc của bạn vào từng từ và cố gắng tạo một không gian ấm áp và vui tươi cho mọi người.
- Thời gian phát biểu hợp lý: Đảm bảo rằng bài phát biểu của bạn có thời gian hợp lý, không quá dài hay quá ngắn. Thời gian phù hợp giúp người nghe tập trung và không làm mất sự chú ý của họ.
Top những mẫu bài phát biểu đám cưới hay và ý nghĩa nhất
Mẫu bài phát biểu đám cưới bên họ nhà trai
Mẫu 1
Kính thưa cụ ông, cụ bà, bà con, anh em nội ngoại của gia đình hai bên!
Trước tiên đại diện cho họ nhà trai, tôi xin kính chúc sức khỏe các cụ ông cụ bà của hai gia đình, anh em họ hàng của hai cháu.
Tôi xin được tự giới thiệu tôi là [tên người phát biểu] là [mối quan hệ với chú rể] của cháu [họ tên chú rể]. Được sự chấp thuận của gia đình hai bên, hôm nay, gia đình họ nhà trai chúng xin có cơi trầu kính dâng gia tiên bên đằng nhà gái. Tôi trân trọng xin phép được cử hành lễ rước dâu, chính thức đón cháu [họ tên cô dâu] về làm dâu trong nhà và làm con cháu dòng họ chúng tôi.
Và đồng thời gia đình tôi cũng xin phép gia đình ông [họ tên cha cô dâu] và bà [họ tên mẹ cô dâu] cho cháu [họ tên cô dâu] được làm con làm cháu trong gia đình ông bà [họ tên cha mẹ chú rể]. Xin kính mong ông bà nhận cơi trầu xin dâu của họ nhà trai chúng tôi.
Kính thưa các cụ ông cụ bà, bà con cô bác, anh em nội ngoại, bạn bè của hai cháu. Giờ tốt đã đến tôi xin đại diện cho đoàn đại biểu họ nhà trai xin trân trọng cảm ơn sự đón tiếp chu đáo của họ nhà gái. Tôi mong rằng trong tương lai, tình cảm mà hai gia đình dành cho nhau sẽ ngày càng thân thiết hơn.
Sau đây xin phép các cụ ông, cụ bà, anh em nội ngoại và các bạn của hai cháu, họ nhà trai chúng tôi xin được đưa cháu [họ tên cô dâu] về gia đình ông bà [họ tên cha mẹ chú rể] để tổ chức lễ thành hôn cho hai cháu.
Kính mời các cụ ông cụ bà cùng bà con họ hàng của hai cháu về dự buổi lễ với họ nhà trai chúng tôi. Tôi xin trân trọng cảm ơn!
Mẫu 2
(Mẫu phát biểu đáp lời nhà gái)
Thưa toàn thể hội hôn!
Thay mặt họ nhà trai, tôi xin cảm ơn lời phát biểu chân tình, đầy trách nhiệm mà ông đại diện họ nhà gái vừa phát biểu và có lời căn dặn tới 2 cháu. Một lần nữa, thay mặt toàn thể họ nhà trai xin được cảm ơn các cụ, các ông, các bà, các anh, các chị và các bạn nam nữ đã dành thời giờ vàng ngọc của mình để đưa cháu [tên cô dâu] về với dòng họ chúng tôi. Chúng tôi xin được hứa với họ nhà gái sẽ chỉ bảo, giúp đỡ và làm tròn trách nhiệm để đưa các cháu nhanh hòa nhập với cuộc sống cũng như gia phong mỹ tục của dòng họ chúng tội.
Hai cháu [tên chú rể] và [tên cô dâu] đã gặp nhau, quen nhau, yêu thương nhau, có quãng thời gian tìm hiểu nhau để đi đến cuộc hôn nhân này, họ nhà trai chúng tôi rất vui mừng vì thêm được dâu mới, có thêm một người con, người cháu trong gia đình.
Chúng tôi sẽ dốc hết mình vun vén cho hạnh phúc hai cháu, cũng mong các ông, các bà, cô, dì, chú, bác họ nhà gái yêu quý và chỉ bảo cháu [tên chú rể] nhà chúng tôi, cháu vẫn còn trẻ người non dạ, có gì không nên không phải mong gia đình dạy bảo cháu thêm.
Sau đây xin mời toàn thể hội hôn chúng ta ăn trầu, uống nước, múa vui ca hát để chúc phúc cho đôi vợ chồng trẻ. Tôi xin được nhường lời lại cho ban tổ chức để buổi lễ thành hôn được tiếp tục.
Xin trân trọng cảm ơn!
Mẫu 3
Kính thưa các cụ ông, cụ bà cùng các anh chị em nội ngoại hai bên gia đình nhà trai, nhà gái!
Kính thưa các vị đại biểu, các vị quan khách cùng bạn bè thân thiết gần xa của hai cháu [tên cô dâu và chú rể]!
Tôi tên là [tên người đại diện], là [mối quan hệ với chú rể], xin đại diện cho họ nhà trai kính chúc sức khỏe các cụ ông cụ bà, anh chị em gia đình họ hàng nhà gái cùng với bạn bè, quan khách gần xa có mặt trong buổi lễ ngày hôm nay có một sức khỏe dồi dào, làm ăn thịnh vượng và chúc cho hạnh phúc của hai cháu [tên chú rể và cô dâu].
Hôm nay, nhân ngày lành tháng tốt, được sự chấp thuận của hai bên gia đình, tôi xin thay mặt nhà trai, có cơi trầu kính dâng lên gia tiên họ nhà gái và xin được phép đón cháu [tên cô dâu] làm dâu trong gia đình và làm con cháu trong họ nhà trai chúng tôi.
Xin kính mong ông bà và họ nhà gái nhận cau trầu xin dâu của họ nhà trai chúng tôi.
Mẫu bài phát biểu đám cưới bên họ nhà gái
Mẫu 1
Kính thưa toàn thể hội hôn!
Lời đầu tiên, tôi xin tự giới thiệu, tôi là [tên đại diện nhà gái], là [mối quan hệ với cô dâu], đại diện cho họ nhà gái xin được gửi lời chúc phúc tới toàn thể khách quý có mặt trong ngày vui hôm nay.
Hôm nay đúng là ngày lành tháng tốt, trước hết gia đình chúng tôi xin cám ơn họ nhà trai đã có lời thưa chuyện và sự chuẩn bị chu đáo. Tôi xin thay mặt họ nhà gái đồng ý cho hai cháu được nên vợ, nên chồng và mong các cháu sẽ sống bên nhau hạnh phúc, gia đình thuận hòa, làm ăn phát đạt, sớm sinh bé trai, bé gái.
Kể từ giờ phút này trở đi: hai cháu [tên cô dâu và chú rể] đã là dâu là rể trong nhà, kính mong toàn thể hai bên gia đình dạy dỗ, nhắc nhở để hai cháu có thể làm tốt bổn phận dâu rể của mình. Thay mặt họ nhà gái, tôi xin được nhận lễ và xin mời quan viên hai họ uống chén nước, ăn miếng trầu chung vui cùng các cháu. Xin chân thành cảm ơn!
Mẫu 2
Kính thưa toàn thể quý vị quan khách!
Thay mặt cho gia đình nhà gái tôi cũng có đôi lời phát biểu. Hai cháu [tên cô dâu và chú rể] quen biết cũng đã lâu, nay nhờ mai mối của ông Tơ, bà Nguyệt mà hai cháu đã nguyện kết tóc se tơ, trăm năm hạnh phúc.
Tuy rằng cháu [tên cô dâu] đã trưởng thành nhưng vẫn còn non kém, chúng tôi hy vọng nhờ sự dạy bảo, nhắc nhở của gia đình hai bên cháu sẽ trở thành một người con dâu hiền thảo, một người vợ đảm đang.
Hôm nay ngày lành tháng tốt, hai bên gia đình chúng tôi nhất trí tổ chức hôn lễ cho các cháu, để các cháu được chính thức trở thành vợ chồng. Mong toàn thể hội hôn cùng nâng ly rượu chúc mừng cho hạnh phúc của hai cháu. Xin chân thành cảm ơn!
Mẫu 3
Kính thưa toàn thể hai bên gia đình cùng toàn thể quý vị khách quý đang có mặt tại đây ngày hôm nay, tôi xin tự giới thiệu, tôi tên là [Tên người đại diện] và [Quan hệ đối với cô dâu], xin phép được đại diện họ nhà gái có đôi lời trong buổi tiệc ngày hôm nay.
Lời đầu tiên, cho phép tôi được cảm ơn sự hiện diện của quý vị khách quý ngày hôm nay đã vượt đường xá xa xôi đến chung vui với hạnh phúc hai cháu. Hôm nay là ngày vui của hai cháu và cũng là ngày vui của hai gia đình chúng tôi. Được chứng kiến hai cháu tìm hiểu nhau, quý mến nhau và giờ đây trải qua nhiều khó khăn, thử thách mới đến được bến bờ hạnh phúc, bậc làm cha mẹ, trưởng bối như chúng tôi thực sự rất hạnh phúc.
Tuy rằng các cháu đã trưởng thành nhưng vẫn còn nhiều sai sót, gia đình chúng tôi hy vọng cháu sẽ nhận được sự yêu thương và chỉ dạy thêm nhiều kinh nghiệm trong cuộc sống cũng như trong hôn nhân gia đình để trở thành một người con dâu hiền, một người vợ đảm.
Chúc cho hai cháu sẽ tiếp tục cùng nhau nắm tay đồng hành trên suốt những chặng đường còn lại của cuộc đời, cuộc sống vợ chồng sẽ luôn ấm êm, hạnh phúc. Một lần nữa xin cảm ơn tất cả mọi người. Chúc toàn thể quý vị sức khỏe, hạnh phúc và thành công.
>>> Đừng bỏ lỡ: Top 9+ bài phát biểu lễ ăn hỏi ngắn gọn, ý nghĩa nhất
Trên đây là những thông tin vô cùng hữu ích về những vấn đề liên quan đến mẫu bài phát biểu đám cưới. Hy vọng với những thông tin được chia sẻ trong bài viết trên sẽ giúp bạn có những bài phát biểu thật hay, thật ý nghĩa để tạo nên một đám cưới trọn vẹn.